Làm Sao Để Ra Quyết Định Sáng Suốt?

Nếu bạn đã từng phải quyết định chọn thi vào trường đại học nào, chọn công ty nào để làm việc sau khi tốt nghiệp đại học, có nên theo chương trình thạc sĩ chuyên môn hay MBA… chúng ta thấy là những quyết định rất khó để chúng ta rút lại hoặc thay đổi, vì chúng ta muốn thay đổi sau khi đã xong đại học thì tuổi đâu còn là mười tám! Bạn có thể có nơi học, có bạn học mới, có thầy cô giáo mới nhưng bạn không thể lấy lại được thời gian của bốn năm đã trôi qua. Quyết định của chúng ta luôn tạo ra hoặc là phần thưởng hoặc là cái giá phải trả cho thời gian, tiền bạc, công sức, cũng như nhiều nguồn lực khác mà chúng ta đã đầu tư vào quyết định, có khi đó còn là cả sinh mạng nữa. Vậy làm thế nào để đưa ra quyết định một cách sáng suốt và đúng đắn nhất? Chúng ta nên làm gì trước khi đưa ra quyết định cuối cùng?

mọi quyết định sáng suốt đều bắt đầu từ việc hiểu đúng và có cách suy nghĩ đúng

Nếu không bị áp lực về mặt thời gian, và đặc biệt nếu là việc quan trọng thì tuyệt đối đừng vội vàng hấp tấp. Cũng đừng bắt bộ não của bạn trở nên kém sáng suốt chỉ vì phải làm quá nhiều việc cùng một lúc: vừa phải nhớ, vừa phải phân tích và đúc kết trong thời gian ngắn. Có một cách thức hữu hiệu mà tôi được anh sếp cũ tên Gilmore đã coach cho tôi. Glimore đã lần lượt hỏi tôi 5 câu hỏi sau đây và yêu cầu tôi phải viết ra câu trả lời:

1. Mình đang quyết định việc gì? Có nên ngừng vị trí phụ trách kinh doanh ngành chiếu sáng để chuyển sang phụ trách phòng Marketing ngành điện tử, hai ngành khác biệt hoàn toàn.

2. Điều gì sẽ xảy ra với mình nếu thực hiện quyết định này? Được học kiến thức hoàn toàn mới về sản phẩm, phân phối, thói quen tiêu dùng, thị trường, đặc biệt được trải nghiệm về các quyết định liên quan marketing.

3. Điều gì mình sẽ tránh được nếu thực hiện quyết định này? Tránh kéo dài, lãng phí thời gian do tích luỹ kinh nghiệm về bán hàng quá nhiều trong khi vẫn còn ít kinh nghiệm về marketing.

4. Điều gì sẽ xảy ra với mình nếu không thực hiện quyết định? Tuổi càng cao, mà chỉ có kinh nghiệm nhiều về bán hàng, cơ hội để làm sếp của phòng kinh doanh (bán hàng & marketing) càng hẹp dần, mình ngồi tại ví trí này lâu, các anh em giỏi muốn tiến lên cũng không được, rồi họ cũng tìm cách bỏ mình ra đi.

5. Điều gì sẽ không xảy ra với mình nếu không thực hiện quyết định? Các sếp ở trên sẽ không đưa tên mình vào danh sách nhóm lãnh đạo tiềm năng để cất nhắc khi có sự thay đổi, ví dụ khi các chuyên gia nước ngoài về nước.

Gilmore còn khuyến khích tôi dành thời gian để viết ra tất cả các câu trả lời cho từng câu hỏi, càng nhiều càng tốt. Mục đích của việc viết ra câu hỏi và câu trả lời này là để chắc chắn rằng bạn đã có một ý tưởng cụ thể, chứ không phải chỉ là suy nghĩ mông lung, mơ hồ rất hại não và mất thời gian. Cuối cùng, Gliomore giúp tôi tập trung vào các câu trả lời để đúc kết và đưa ra quyết định cuối cùng. Cũng qua chuyện này mới thấy, khi sếp là một coach giỏi, nhân viên sẽ nhớ mãi và có ấn tượng rất tốt với sếp dù đã nhiều năm không còn làm việc chung với nhau nữa.

Nếu bạn có một tuần để ra quyết định, hãy cân nhắc đến việc áp dụng công thức 1-3-3. Nghĩa là sau ngày thứ nhất ra quyết định, hãy xem xét và điều chỉnh lại quyết định đó sau ba ngày, tiếp tục lặp lại hành động này sau ba ngày nữa để có quyết định cuối cùng. Tương tự, hãy làm như vậy nếu bạn có 7 tuần hay 70 ngày để ra quyết định.

Điểm đặc biệt lưu ý là mọi quyết định sáng suốt đều bắt đầu từ việc hiểu đúng và có cách suy nghĩ đúng.

Thế nào là hiểu đúng? Là hiểu tình huống đúng như thực trạng của nó chứ không phải là hình ảnh đã bị “chỉnh sửa” hoặc thêm thắt bởi thái độ, niềm tin hay triết lý sống của bạn. Sự tự tin thái quá sẽ khiến bạn cho rằng mình sẽ kết thúc một việc khó trong khoảng thời gian ngắn hơn thực tế. Ví dụ, bạn tự tin rằng chỉ cần 2 tháng luyện thi để đạt được IELTS 7.0. Nhưng thực tế lại khác, có khi phải đến vài lần “2 tháng” như vậy mới có thể đạt được mục tiêu. Hoặc nếu bác sĩ phẫu thuật nói người nhà bệnh nhân rằng “90% những người trải qua phẫu thuật này đều sống sót”, so với một bác sĩ khác “10% những người trải qua phẫu thuật này không thể qua khỏi”. Mặc dù ý nghĩa có thể được hiểu là như nhau, nhưng những người nghe “10% không thể qua khỏi ” lại cảm nhận có nhiều hơn nguy cơ đến với người thân của họ.

Hiểu đúng còn là phát hiện ra những lối mòn trong suy nghĩ của bản thân, mà thậm chí chúng ta không hề hay biết rằng nó đang tồn tại. Nếu ngày nào bạn cũng xem các tin tức về tai nạn giao thông thì bạn sẽ có xu hướng đánh giá nguy cơ xảy tai nạn khi đi đường quá cao so với người khác. Khi bạn liên tục nghe và xem các tin tức liên quan đến Covid-19, bạn sẽ thấy ám ảnh lo sợ bị lây nhiễm hơn thực tế. Xem quá nhiều phim không tặc hay tai nạn máy bay, bạn có thể sẽ nghĩ rủi ro khi đi máy bay còn cao hơn so với tai nạn ô tô, trong khi số liệu thống kê thì ngược lại. Vì vậy cũng phải cảnh giác đừng để các thông tin hàng ngày nạp vào tâm trí có làm ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta? Đây cũng chính là lý do mà ngành quảng cáo vẫn kiếm được nhiều tiền dù ở thời đại nào.

Hiểu đúng còn là sự hiểu biết mà không bị rơi vào cái bẫy của niềm tin. Ví dụ: nếu người nào tin rằng “Người giỏi rất hay ích kỷ ” hay “những người giàu có thường mưu mô”, hãy đoán xem họ sẽ quyết định dạy dỗ con cái của họ trở thành người như thế nào? Tại sao không thử phản biện bằng cách xem xét điều ngược lại như hãy tìm hiểu điều gì khiến những người giàu có thể tốt bụng hoặc biết quan tâm. Đó sẽ là cách hiệu quả giúp chúng ta phá vỡ những niềm tin tiêu cực, giúp chúng ta nhìn tình huống ở một khía cạnh khác và đưa ra một quyết định khác.

hiểu đúng còn là sự hiểu biết mà không bị rơi vào cái bẫy của niềm tin

Thế nào là có cách suy nghĩ đúng khi quyết định? Xem quyết định xuất phát từ một khát vọng thực sự hay chỉ là một mong muốn bình thường, vì đam mê dài lâu hay chỉ là cao hứng nhất thời? Quyết định của bạn dựa vào lý trí hay cảm xúc? Một quyết định có thể bị cho là thiếu lý trí và bốc đồng nếu nó bị thúc giục bởi những cảm xúc rất bản năng nhưng rất mạnh mẽ như tham lợi vật chất, háo danh, si mê, yêu thích hay nỗi sợ hãi. Cách suy nghĩ ngẫu hứng bốc đồng thường sẽ cho ra quyết định rất nhanh chóng và quyết liệt, nhưng lại ít khi có giá trị lâu dài bền vững.

Tư duy của người có cách suy nghĩ đúng thường được hình thành dựa trên một số quy tắc, hay những khái niệm tồn tại từ lâu gọi là “quy luật”, ví dụ “luật nhân quả” cho rằng, quyết định của bạn trước tình huống ở hôm nay chắc chắn sẽ tạo ra kết quả ở ngày mai; “Không có việc gì là hoàn hảo 100%”; “Mọi sự việc đều vô thường”; “Sự việc nào cũng phát triển theo trình tự: thành – trụ – hoại – diệt”; “Các hiện tượng đều có chu kỳ riêng của nó”; “Phải có một khoảng thời gian sau khi gieo nhân rồi mới nhận được quả”; “Trong nhiều hiện tượng, 80% kết quả là do 20% nỗ lực”…

Ngoài ra, khi phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn khi quyết định, bạn cũng có thể tự hỏi: “Tôi sẽ nói gì với một người bạn thân khi bạn ấy gặp tình huống này? Khi giải thích được quyết định này có thể làm thay đổi thế nào đến đạo đức, nghị lực, và trí tuệ của bạn ấy, bạn bắt đầu thấy quyết định sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Lời kết

Dù biết rằng cảm xúc có thể lấn át lý trí khi quyết định, nhiều người vẫn ra quyết định bằng cảm xúc rồi sau đó mới dùng lý trí để bênh vực cho cảm xúc, một ví dụ phổ biến là quyết định mua hàng khi có khuyến mãi. Nhìn chung, mọi quyết định sáng suốt của chúng ta đều bắt đầu từ việc hiểu đúng và có cách suy nghĩ đúng, và việc hỗ trợ của một người coach sẽ rất hiệu quả trong việc giúp chúng ta hiểu đúng và tư duy đúng, đặc biệt là những Coach chuyên nghiệp.

Chia sẻ từ Chuyên gia huấn luyện Nguyễn Tấn Đức

Chia sẻ


has been added to your cart.
Thanh toán