6 Cách Thay Đổi Tư Duy Để Trở Thành Nhà Lãnh Đạo Có Định Hướng

Năm 2022 là năm được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự hồi sinh của các doanh nghiệp từ bóng tối của đại dịch COVID-19. Vì vậy, các nhà lãnh đạo sẽ cần nuôi dưỡng mục đích hoạt động của doanh nghiệp, lấy việc đẩy mạnh văn hóa doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh và sự gắn kết nhân tài làm trọng tâm phát triển.

Chúng tôi đã thực hiện các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với 20 nhà lãnh đạo cấp cao và ban giám đốc trên khắp châu Á để khám phá những thay đổi mà các doanh nghiệp phải thực hiện khi họ được nâng tầm thành những doanh nghiệp mạnh, được xã hội biết đến nhiều hơn trong tương lai.

Lãnh đạo có chủ đích là gì?
Nếu doanh nghiệp của bạn muốn có được tương lai tươi sáng hơn, thì đội ngũ quản lý cần phải thực hành kỹ năng lãnh đạo có định hướng. Họ phải có cái nhìn rõ ràng về việc tập thể doanh nghiệp của họ là ai, mục đích phục vụ là gì và cách doanh nghiệp tác động đến môi trường, xã hội, cộng đồng, khách hàng, nhân viên và các bên liên quan khác.

Có bằng chứng cho thấy rằng các công ty có định hướng hoạt động rõ ràng, được hướng dẫn bởi những nhà lãnh đạo có chủ đích không chỉ đáp ứng tốt các nhu cầu của xã hội mà còn tạo cho nhân viên động lực làm việc tốt và mức độ hài lòng cao.

Mục đích rõ ràng cho phép nhân viên kết nối giữa công việc của họ và hướng đi của tổ chức. Vậy nên, nhân viên có động lực làm việc hơn, hiệu suất làm việc cũng được nâng cao và bằng cách ấy góp phần giúp tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Làm thế nào để phân biệt mục đích của doanh nghiệp với tầm nhìn và sứ mệnh hoạt động?
Hiểu theo nghĩa căn bản nhất, mục đích của một doanh nghiệp là tham gia vào các hoạt động có đạo đức, bền vững và mang lại lợi nhuận để tạo ra “giá trị” cho xã hội. Mục đích kết nối một thực thể kinh doanh với tất cả các bên liên quan, bao gồm cổ đông, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, các bên cho vay và cộng đồng.

Tầm nhìn của một doanh nghiệp bao gồm các mục tiêu mà doanh nghiệp đó mong muốn đạt được. Bên cạnh đó, sứ mệnh của doanh nghiệp là tóm tắt cách thức lập kế hoạch để đạt được các mục tiêu. Và mục đích thường trả lời cho câu hỏi: Lý do doanh nghiệp tồn tại là gì và hướng đi trong tương lai dài hạn như thế nào?

Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều có sẵn một tập hợp các giá trị, sứ mệnh và tầm nhìn nhằm xác định nguyện vọng và triết lý kinh doanh của họ. Những giá trị này thường trùng lặp với mục tiêu chính của doanh nghiệp. Nhưng chúng ta vẫn cần hoạt động tích cực để đạt được giá trị tồn tại cốt lõi của doanh nghiệp và nêu rõ mục đích tồn tại của nó.

Chuyển trọng tâm sang việc lãnh đạo có mục đích 
Việc đại dịch COVID-19 đặt ra cho thế giới những thách thức về xã hội, môi trường và kinh tế đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tập trung sự chú ý của mọi người vào mục đích tồn tại của doanh nghiệp và khả năng lãnh đạo có chủ đích. Đại dịch đã thực sự làm rung chuyển rất nhiều tổ chức vốn cho rằng họ không dễ bị lung lay trước các thách thức kinh tế – xã hội. Hai năm qua cũng đã giúp mọi người tạm dừng và suy ngẫm về những ưu tiên cá nhân và chuyên môn của bản thân.

Sự gián đoạn trong xã hội đã làm cho các hội đồng quản trị và đội ngũ lãnh đạo thức tỉnh về tình hình thực tế. Các doanh nghiệp cần nghiêng về chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan thay vì chủ nghĩa tư bản cổ đông để đảm bảo sự bền vững lâu dài về tài chính, xã hội.

Xã hội ngày càng nhận thức rõ ràng và có yêu cầu cao hơn đối với các doanh nghiệp biết cân bằng giữa sự bền vững kinh tế và lợi ích mang lại cho xã hội. Các cộng đồng đang yêu cầu các tổ chức phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho hành động của họ. Mọi người không muốn giao dịch với các tổ chức chỉ kinh doanh vì lợi nhuận; họ đang tìm kiếm nhiều ý nghĩa hơn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn đối với các doanh nghiệp ưu tiên sự cân bằng về xã hội, kinh tế và môi trường. Ngay cả các nhà lãnh đạo cũng phản ánh nhiều hơn về sự liên kết giữa các giá trị cá nhân của họ và mục đích của tổ chức.

Do đó, các doanh nghiệp luôn phải nhìn vào mục đích tồn tại của mình và thực sự sống với chúng. Việc lãnh đạo có chủ đích luôn vô cùng cần thiết.

Những thay đổi cần thiết trong tư duy để trở thành nhà lãnh đạo có chủ đích

6 sự thay đổi cần thiết trong tư duy
Trong các cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo cấp cao và ban giám đốc trên khắp châu Á, chúng tôi đã tìm ra 6 sự thay đổi trong tư duy mà các doanh nghiệp cần thực hiện. Khi họ chuẩn bị cho tương lai, nơi mà mục đích tồn tại của doanh nghiệp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thành công kinh doanh, sự chấp nhận của xã hội và thu hút nhân tài.

1. Hãy tác động.
Các công ty có mục đích hoạt động rõ ràng sẽ cân bằng thành công giá trị xã hội và giá trị kinh tế.
Sự thay đổi này đòi hỏi người lãnh đạo cần có sự nhận thức đa chiều: suy nghĩ và hành động trên nhiều phương diện – để nhanh chóng kiểm tra các cơ hội, rủi ro và kỳ vọng của các bên liên quan và đối phó với các tình huống mới của thế giới.

2. Đặt trung tâm từ quốc gia đến thế giới.
Các tổ chức phải giải quyết các vấn đề toàn cầu theo cách mềm dẻo hơn. Họ cần điều chỉnh các sáng kiến toàn cầu để phù hợp với các thách thức và văn hóa địa phương.
Sự thay đổi này đòi hỏi người lãnh đạo cần có: năng lực và khả năng ảnh hưởng cá nhân đến các hành động, quyết định và ý kiến của các bên liên quan trong môi trường địa lý đa dạng.

3. Ngắn hạn đến dài hạn.
Nhà lãnh đạo có chủ đích phải giải quyết sự mâu thuẫn giữa tác động ngắn hạn và lợi ích dài hạn, lấy mục đích hoạt động làm kim chỉ nam.
Sự thay đổi này đòi hỏi người lãnh đạo cần có lòng dũng cảm: họ cần có khả năng thực hiện các bước hành động phù hợp, ngay cả khi phải đối mặt với nghịch cảnh và áp lực.

4. Bao hàm thay vì đơn lẻ.
Tăng trưởng bao hàm đòi hỏi cách tiếp cận theo hệ sinh thái, tập trung vào phúc lợi của nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng và môi trường.
Sự thay đổi này đòi hỏi ở nhà lãnh đạo sự khiêm tốn: nhận biết và chấp nhận thực tế thông qua sự tự nhận thức và tư duy cởi mở. Những nhà lãnh đạo khiêm tốn hiểu rõ khả năng của bản thân trong mối quan hệ với người khác và tình hình hiện tại.

5. Chú ý đến từng cá nhân.
Để tạo nên mối liên kết mạnh mẽ, các nhà lãnh đạo phải tin tưởng vào sức mạnh của mục đích doanh nghiệp, giúp nhân viên trau dồi mục đích làm việc của họ.
Sự thay đổi này đòi hỏi nhà lãnh đạo ở khả năng truyền cảm hứng cho người khác: thúc đẩy tiềm năng của nhân viên theo cách riêng, phù hợp với họ, khuyến khích họ phát triển bản thân để đạt được nhiều mục tiêu hơn nhằm khai phá tối đa tiềm năng của nhân viên.

6. Thay vì tìm kiếm lý do, hãy tìm kiếm cách thực hiện.
Các tổ chức phải tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “làm thế nào”, bao gồm việc phát triển các chương trình hành động, thực hành, chiến lược truyền thông và sự liên kết giữa mục đích và văn hóa doanh nghiệp.
Sự thay đổi này đòi hỏi nhà lãnh đạo cần có tư duy chiến lược: khả năng hiểu biết chiến lược dài hạn của một tổ chức và đưa ra các kế hoạch hiệu quả phù hợp với mục tiêu kinh doanh của tổ chức trong bối cảnh kinh tế – xã hội – môi trường khác nhau ở phạm vi địa phương, khu vực hoặc toàn cầu.

Nguồn: Center for Creative Leadership

Chia sẻ


has been added to your cart.
Thanh toán