Đã Đến Lúc Nói Lời Tạm Biệt Với Tình Trạng Kiệt Sức

Những lời khuyên rút ra từ nghiên cứu thực tiễn giúp bạn đối phó với tình trạng kiệt sức
Mối quan hệ hiện tại của bạn với tình trạng kiệt sức là gì? Bạn có muốn chia tay nó mãi mãi không? Hãy yên tâm, bạn không phải là người duy nhất muốn làm điều đó!

Trên toàn cầu, các cá nhân, doanh nghiệp và nhiều cộng đồng đang trải qua sự căng thẳng và bất định ở mức độ gia tăng. Và kết quả của việc ấy là người lao động đang phải đối phó với tình trạng kiệt sức ở mức độ chưa từng xảy ra trước đây.

Tác động của sự căng thẳng thật sự đáng kinh ngạc. Một nghiên cứu gần đây từ Tổ chức Mental Health America báo cáo rằng 75% người lao động đang phải vật lộn với việc vượt qua sự căng thẳng và khoảng 40% cho rằng đó là kết quả trực tiếp của đại dịch COVID-19.

Tình trạng quá tải trong công việc đang lan rộng đến tất cả các ngành công nghiệp hiện nay, các lĩnh vực dịch vụ phục vụ con người, cộng đồng và các tổ chức phi lợi nhuận gặp nhiều khó khăn hơn cả. Việc chăm sóc cả thế giới trong cơn đại dịch thực sự tiêu tốn rất nhiều năng lượng và sức lực, nhiều nhân viên làm việc trong các tổ chức phi lợi nhuận và cộng đồng mà họ phục vụ đang trải qua rất nhiều căng thẳng. Đỉnh điểm của mức độ căng thẳng và kiệt sức là nhiều nhân viên đã xin từ chức.

Trong giai đoạn sau đại dịch, các nhà lãnh đạo trong tất cả các loại hình doanh nghiệp đang bị phân tán khi đối mặt với nhiều sự biến động về thể chất, tinh thần, xã hội và kinh tế. Với số giờ làm việc dài và ngân sách eo hẹp hơn, nhiều nhà lãnh đạo trong các tổ chức phi lợi nhuận, đặc biệt là những người đang phải đối phó với tình trạng kiệt sức có thể không cảm thấy được trang bị đủ để đưa ra các chiến lược nhằm dẫn dắt nhân viên của mình làm việc bền bỉ và hiệu quả hơn.

Những nhà lãnh đạo đang trải qua cảm giác kiệt sức có thể cảm thấy những dấu hiệu sau: sự suy giảm về mặt thể chất, gia tăng cảm giác hoài nghi trong công việc, kiệt quệ về mặt cảm xúc và giảm hiệu suất làm việc.

Đọc đến đây, hẳn là bạn cảm thấy quen thuộc với mình đúng chứ? Hãy nhớ rằng tất cả những điều đó không phải là bạn. Đó là sự kiệt sức.

Các tổ chức có thể hỗ trợ nhân viên của mình như thế nào trong việc vượt qua sự kiệt sức?
Các nhà lãnh đạo có thể làm gì để hỗ trợ nhân viên của mình trong việc đối phó với tình trạng kiệt sức, và cùng với đó là việc đưa ra những giải pháp để giải quyết tình trạng thôi việc? Nhà lãnh đạo cấp cao có thể đưa ra ý định và chú ý đến việc tạo điều kiện để nhân viên thể hiện khả năng tốt nhất tại môi trường làm việc và thúc đẩy một môi trường hỗ trợ những cá nhân và cộng đồng mà doanh nghiệp phục vụ.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực phi lợi nhuận, các tổ chức và quỹ từ thiện có thể đóng một vài vai trò thiết yếu. Đầu tiên, các nhà tài trợ, giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo cấp cao có thể xem xét những thói quen cá nhân, chuyên môn của họ và cách những yếu tố đó đóng góp vào quá trình tạo ấn tượng với những mạnh thường quân. Điều thứ hai là các nhà lãnh đạo hãy ngừng làm bất kỳ điều gì không mang lại hiệu quả trong việc tạo ra những điều kiện thuận lợi để tổ chức phát triển.

Dù bạn làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu bạn là một nhà lãnh đạo, bạn có thể xây dựng khả năng phục hồi của riêng mình bằng cách dừng lại và bắt đầu 6 điều này để giúp tạo điều kiện cho các đồng nghiệp vượt qua căng thẳng và thay vào đó là sự “tỏa sáng”!

Lời khuyên để đối phó với tình trạng kiệt sức

6 tips cho nhà lãnh đạo: Những điều bạn cần dừng lại và bắt đầu

1. Đừng lặp lại những điều tương tự. Hãy bắt đầu thử một cái gì đó mới
Cuộc sống trong cơn đại dịch liệu có khiến bạn cảm thấy như mình lặp lại một nhịp sống hết lần này đến lần khác giống như bộ phim Groundhog Day của riêng bạn? Ngoài việc làm gia tăng sự nhàm chán, những thói quen lặp đi lặp lại cũng có thể làm giảm năng lượng và sự tập trung. Hãy xem xét lại những thói quen hoặc hành vi nhàm chán mà bạn vẫn thường làm trong đại dịch và cách mà bạn vô thức mặc định bản thân mình với những hành vi đó. Liệu bạn có thể thử những điều mới để khuấy động cuộc sống của mình lên một chút?

Bộ não của chúng ta luôn phát triển mạnh mẽ, chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi thử những trải nghiệm mới lạ. Một nghiên cứu trên não bộ đã phát hiện ra rằng một lượng lớn hormone hưng phấn Dopamine được não bộ tiết ra khi chúng ta dấn thân vào những trải nghiệm mới. Những trải nghiệm đó không cần phải quá lớn, ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể giúp tạo ra sự dịch chuyển ngay lập tức về trạng thái năng lượng và sự tập trung.

Hãy cam kết thử sức bản thân với những điều mới mẻ. Đó là một cách hiệu quả giúp bạn và đồng nghiệp vượt qua sự kiệt sức. Nó có thể đơn giản như việc thử một cung đường mới trong buổi đi bộ lúc sáng sớm. Làm thế nào bạn có thể khuyến khích người khác thử một cái gì đó mới lạ? Lần tới, khi tham dự một buổi họp nhóm với đồng nghiệp hoặc gặp mặt họ trực tiếp tại công ty, bạn có thể khuyến khích họ “chia sẻ những điều mới lạ mà họ đã thử” đặc biệt là đối với những đồng nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng kiệt sức.

2. Đừng kìm nén hơi thở. Hãy bắt đầu tập hít thở có ý thức
Bạn thậm chí có thể không nhận thấy rằng bạn thường nín thở hoặc hít thở rất nông, đặc biệt là khi bạn cảm thấy áp lực và căng thẳng. Khi chúng ta lo lắng hoặc căng thẳng, chúng ta có thể lấy lại sự kiểm soát đối với cơ thể mình bằng cách thở đúng cách. Thậm chí, khi bạn tập trung vào hơi thở của mình chỉ trong 1 phút cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: nếu chúng ta thở nông và nhanh, hệ thần kinh của chúng ta sẽ càng bị kích thích và chúng ta thậm chí còn cảm thấy căng thẳng, lo lắng hơn. Nhưng nếu chúng ta thở chậm, hít vào sâu kèm với sự tập trung vào quá trình thở ra, nó sẽ kích hoạt cơ chế phản ứng chống lại sự căng thẳng trong cơ thể. Hít thở rất dễ thực hiện, miễn phí và là một cách nhanh chóng để đưa cơ thể vào trạng thái bình tĩnh.

Một thực hành đơn giản để đối phó với tình trạng căng thẳng là liên kết việc hít thở sâu vào một việc gì đó mà bạn làm mỗi ngày – có thể ngay trước khi tham gia một cuộc họp trực tuyến hoặc khi bạn chuyển từ công việc sang các nhiệm vụ ở nhà. Bạn có thể thử nghiệm việc mở rộng thực hành này bằng cách mời tất cả người đang tham gia vào một cuộc họp mà bạn dẫn dắt hít thở sâu trong một phút. Hoặc bạn cũng có thể hướng dẫn họ hít thở trong thời gian nghỉ.

3. Hãy dừng việc gửi lời cảm ơn mang tính chung chung và bắt đầu cá nhân hóa lòng biết ơn
Bạn đã bao giờ nhận được một tin nhắn cảm ơn chung chung cùng được gửi cho tất cả mọi người với một thông điệp duy nhất? Bạn hoàn toàn không cô đơn. Mặc dù mục đích của việc ấy rất tích cực, nhưng lời cảm ơn như vậy có thể thiếu sự chân thành và không mấy hiệu quả. Lời cảm ơn sẽ thực sự giúp cho bạn trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn. Bạn hãy lập một bản ghi chú chi tiết về những đóng góp của từng nhân viên, việc làm này sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn so với những lời cảm ơn mang tính đại trà. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần 5 đến 12 cử chỉ cảm ơn một cách trân trọng, mang tính cá nhân hóa và chân thành mỗi năm có thể cắt giảm đáng kể xu hướng nghỉ việc của nhân viên và giúp khắc phục tình trạng kiệt sức ở họ.

Bạn hãy dành vài phút để viết một ghi chú ngắn gọn (thậm chí chỉ 2-3 câu) cho một người mà bạn muốn cảm ơn tại nơi làm việc. Bằng cách làm như vậy, bạn sẽ không chỉ chia sẻ lòng biết ơn với người mà bạn đang gửi thư, mà bạn cũng sẽ làm mẫu hành động tốt đẹp này cho các nhà lãnh đạo khác trong doanh nghiệp của bạn. Bạn hãy dành thời gian thực hành lòng biết ơn bằng cách gửi cho các thành viên trong nhóm của bạn một lời cảm ơn ngắn gọn nhưng được cá nhân hóa một cách thường xuyên hơn.

4. Hãy dừng việc tổ chức các cuộc họp theo mặc định và bắt đầu xây dựng văn hóa hội họp có chủ đích
Các cuộc họp thường xuyên hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta, cùng với sự gia tăng xu hướng làm việc từ xa và kết hợp, các cuộc họp trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các cuộc họp có thể mang đến cảm giác mệt mỏi, nhân viên có thể cảm thấy lãng phí thời gian và bị buộc phải làm việc ngoài giờ. Họ thậm chí có thể cảm thấy bị cô lập khi không có cơ hội để kết nối. Tuy nhiên, các cuộc họp rất quan trọng trong việc giúp các công việc được hoàn thành, vì vậy hãy dành thời gian để kiểm tra và cập nhật văn hóa hội họp trong tổ chức của bạn.

Lần tới, khi bạn sắp xếp một cuộc họp, hãy tự hỏi bản thân mình rằng “Cuộc họp này có thực sự cần thiết không, hay đơn giản là chúng ta đang mặc định một cuộc họp vì đó là cách chúng ta luôn làm?”. Hãy xem xét liệu bạn có thể xử lý công việc thông qua email hay ứng dụng nhắn tin hay không hoặc hãy tìm ra cách rút ngắn thời gian mặc định cho buổi họp. Điều này cho phép mọi người tránh tham dự các cuộc họp liên tiếp cả ngày.

Việc khắc phục hội chứng uể oải với các buổi họp trực tuyến bằng cách chỉ mở âm thanh khi tham gia một số cuộc họp ảo có thể không mang lại hiệu quả cao. Hoặc nếu như bạn có sự lựa chọn, hãy mời các thành viên trong nhóm thực hiện cuộc gọi trong khi đang tản bộ ngoài trời để vận động cơ thể và tận hưởng bầu không khí trong lành. Sẽ càng tốt hơn nữa khi bạn mời đồng nghiệp hoặc nhân viên của mình tham gia một cuộc tản bộ và bàn về công việc một cách trực tiếp. Các cuộc họp là cơ hội chính để kết nối, vì vậy hãy làm cho chúng trở nên hiệu quả và sử dụng chúng như một phương thức để cải thiện cách cộng tác của mọi người trong doanh nghiệp của bạn.

5. Ngừng duy trì một lịch trình làm việc 24/7 và bắt đầu đặt ra các ranh giới
Ranh giới giữa các nhiệm vụ trong công việc và việc nhà của bạn đã thay đổi như thế nào? Trong bối cảnh phải làm việc tích hợp, chúng ta đã không còn “làm việc tại nhà”, mà thật ra chúng ta đã “biến ngôi nhà thành nơi làm việc”. Một trải nghiệm không có ranh giới rõ ràng như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và góp phần không nhỏ vào việc làm chúng ta kiệt sức. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc cách bạn vô tình đặt ra những kỳ vọng cho bản thân về khoảng thời gian làm việc dài hơn, bao gồm cả buổi tối và đêm muộn, khi nhân viên của bạn thường không bị ràng buộc với công việc.

Nếu bạn hoặc đồng nghiệp của bạn đang đối mặt với tình trạng quá tải, hãy chú ý đến các mô hình giao tiếp đã xuất hiện gần đây cho bản thân và nhóm của bạn. Nếu bạn nhận thấy mình thường kiểm tra email liên quan đến công việc ngoài giờ làm việc hoặc vào cuối tuần, hãy suy ngẫm về thói quen này. Hãy tự hỏi mình rằng làm cách nào bạn có thể đặt ra những kỳ vọng mới cho việc tái tạo lại bản thân và ngắt kết nối với công việc. Làm thế nào bạn có thể cân bằng giữa công việc và thời giờ nghỉ ngơi? Hãy tìm kiếm cho mình những “nghi thức nghỉ ngơi” để báo hiệu với chính mình rằng bạn đã hết giờ làm việc.

Hãy cân nhắc đến việc đóng máy tính xách tay và để nó trong không gian làm việc được chỉ định, thu gom các thư mục chứa nội dung liên quan đến công việc và cất chúng đi hoặc gửi cho đồng nghiệp của bạn một email với thông điệp thiện chí này: “Tớ hết giờ làm việc rồi nhé, các cậu cũng nên nghỉ ngơi đi” vào cuối ngày làm việc, cuối tuần, hoặc khi bạn nghỉ phép để tận hưởng một kỳ nghỉ thư giãn. Điều này sẽ giúp nhân viên của bạn quản lý tốt xung đột giữa công việc và cuộc sống, đồng thời giúp họ dễ dàng thoát khỏi công việc khi kết thúc ngày làm việc hoặc khi họ dành thời gian cần thiết để nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng.

6. Hãy dừng việc lướt điện thoại vào sáng sớm và nạp caffeine vào cơ thể. Bắt đầu một ngày mới của bạn với những vận động thể chất có chú tâm
Bạn có kiểm tra điện thoại trước khi chạm chân xuống sàn nhà vào buổi sáng không? Sau đó, phải chăng bạn sẽ pha một tách cà phê hoặc trà và thưởng thức? Những hành vi này rất phổ biến trong mỗi chúng ta, nhưng hãy lưu ý, chúng có thể đang làm xói mòn năng lượng của bạn trước khi bắt đầu ngày mới. Việc kiểm tra email, mạng xã hội và tin nhắn ngay khi vừa mở mắt sẽ nhanh chóng thu hút sự chú ý và cảm xúc của bạn, và thật không may, chúng thường gây ra cảm giác lo lắng trước khi bạn rời khỏi giường. Có lẽ bạn đã quá quen thuộc với lời khuyên này: chúng ta không nên giữ điện thoại thông minh trong phòng ngủ, nhưng bạn biết không, việc tắt thông báo, hạn chế sử dụng mạng xã hội và xóa càng nhiều ứng dụng càng tốt khỏi điện thoại của bạn cũng cực kỳ hữu ích.

Đối với thói quen uống trà hoặc cà phê của bạn, bạn chỉ cần trì hoãn chúng một chút. Khi bạn thức dậy, Cortisol – loại hormone làm cơ thể bạn tràn đầy năng lượng đang ở mức đỉnh điểm, vì vậy việc nạp vào cơ thể một lượng caffeine cũng giống như hành động ném que diêm vào ngọn lửa đang bùng cháy. Việc nạp caffeine vào cơ thể sẽ có tác dụng tốt hơn khi bạn chờ một hoặc hai giờ sau khi thức dậy.

Hãy thay thế thói quen kiểm tra điện thoại và nhâm nhi một chút cà phê ngay lập tức bằng những bài tập vận động nhẹ nhàng cho cơ thể. Bạn có thể đi bộ, tập yoga hoặc thậm chí thực hiện những động tác kéo giãn cơ thể đơn giản. Sau đó, bạn có thể thử một số hoạt động đem lại sự chú tâm như việc viết nhật ký, đọc hoặc nghe nhạc trong một vài phút. Sau đó, hãy cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể trước khi bạn dùng trà hoặc cà phê. Hãy thử những điều trên trong vài ngày và xem liệu năng lượng của bạn có được cải thiện hay không và liệu những thực hành này có giúp khắc phục tình trạng kiệt sức và căng thẳng trong bạn không.

Khi bạn nhận ra một vài thói quen cá nhân, thói quen mặc định trong doanh nghiệp có thể làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng và kiệt sức, bạn có thể bắt đầu xây dựng một văn hóa coi trọng khả năng phục hồi và cho phép nhân viên tự chăm sóc bản thân. Hãy chú ý đến việc nạp lại năng lượng và áp dụng những thực hành hữu ích đó cho đội nhóm của bạn. Chúng ta hãy cùng nhau nói lời vĩnh biệt với tình trạng kiệt sức.

Nguồn: Center for Creative Leadership

Chia sẻ


has been added to your cart.
Thanh toán