Cách Cải Thiện Hiệu Suất Làm Việc Và Giấc Ngủ Của Nhân Viên

Sẽ như thế nào nếu các nhà lãnh đạo được nghỉ ngơi đầy đủ?
Nhiều giám đốc điều hành và lãnh đạo cấp cao đang đối mặt với tình trạng nghỉ ngơi không đủ và chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Trong một nền văn hóa siêu kết nối, chúng ta làm việc bằng cách cố vắt kiệt sức lực của chính bản thân và người khác. Chúng ta thúc đẩy bản thân và người khác để tối ưu hóa năng suất và đạt được những thành tựu mới. Nhưng một ngày vẫn chỉ có 24 tiếng, thời gian để chúng ta làm nhiều việc hơn là không đủ, vì vậy chúng ta đành phải hy sinh một điều gì đó và thường chính là giấc ngủ.
Nhưng giấc ngủ không phải là một điều xa xỉ. Ngủ ít hơn làm suy yếu não bộ, năng suất làm việc và khả năng giao tiếp. Bên cạnh đó cũng làm giảm sự tập trung, hạn chế sức sáng tạo, suy giảm trí nhớ và kỹ năng vận động, bao gồm cả những kỹ năng cơ bản của con người.
Nói một cách dễ hiểu nhất, khi bạn có một giấc ngủ chất lượng, bộ não của bạn sẽ:
1. Xử lý và tổ chức thông tin tốt hơn.
2. Tắt cơ chế phản ứng với căng thẳng.
Hai chức năng này ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ, khả năng ra quyết định, thái độ sống, khả năng đổi mới và sáng tạo trong suốt một ngày dài.
Nếu các nhà lãnh đạo có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, họ sẽ thể hiện năng lực một cách tốt nhất với khả năng ghi nhớ sắc bén và các kỹ năng mạnh mẽ hơn để tạo ra các sáng kiến mới. Họ có thể điều chỉnh cảm xúc của mình tốt hơn và tương tác với mọi người hiệu quả hơn. Từ đó, mức độ căng thẳng giảm dần. Họ sẽ dễ dàng đáp ứng sự phức tạp của việc lãnh đạo bằng trí tuệ sáng suốt, khả năng sáng tạo và hiệu suất cao.

Mối liên hệ giữa giấc ngủ và hiệu suất làm việc
Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu liên quan đến cảm giác mệt mỏi trong công việc. Từ đó, chúng tôi nhận thấy rằng các nhà lãnh đạo cấp cao và tất cả những ai đang làm việc trong môi trường tồn tại nhiều tình huống khó khăn, phức tạp cần ngủ nhiều hơn.
Mất ngủ kích hoạt tâm trạng xấu, làm gia tăng áp lực và lo lắng và là một nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.
Vì thiếu ngủ sẽ cản trở năng lực lãnh đạo, nó có thể đặt doanh nghiệp của bạn vào nhiều tình thế rủi ro. Một nghiên cứu gần đây kết luận rằng thiệt hại về kinh tế liên quan tới sự mệt mỏi trong công việc là 45.000.000 VNĐ cho mỗi nhân viên một năm.
Một lực lượng lao động thiếu ngủ có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp. Về lâu dài, điều này cũng nguy hiểm không kém đối với bản thân mỗi nhân viên. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC Hoa Kỳ) lưu ý rằng thiếu hụt chế độ nghỉ ngơi hợp lý là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh huyết áp cao, tim mạch và tiểu đường.
Các nhà quản lý, giám đốc điều hành và rất nhiều nhân viên khác vẫn đang làm việc chăm chỉ trong nhiều giờ liền để xử lý các vấn đề phức tạp và đối mặt với những thách thức ẩn mình. Việc không ngủ đủ giấc sẽ hạn chế khả năng ứng phó với những thách thức phức tạp của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nhà lãnh đạo ngủ ngon hơn
Mặc dù giấc ngủ là một vấn đề cá nhân và mang tính riêng tư nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng các vấn đề tại nơi làm việc và văn hóa làm việc của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến cách mọi người ngủ. Thêm vào đó, chính các doanh nghiệp phải chịu các chi phí cho việc thiếu ngủ của nhân viên.
Nhiều nhà lãnh đạo mà chúng tôi làm việc cùng đã lên tiếng về sự mệt mỏi, kiệt sức mà họ phải trải qua và cách các chuẩn mực văn hóa “ngầm” tại nơi làm việc đang tác động đến họ. Một nhà lãnh đạo trong cuộc khảo sát nghiên cứu về giấc ngủ và việc lãnh đạo đã chia sẻ: “Xung quanh tôi, tôi thấy quá nhiều đồng nghiệp phải vật lộn với giờ làm việc dài, các chuyến công tác căng thẳng, hội chứng lệch múi giờ bay (Jet lag), chế độ ăn uống thất thường, thiếu dinh dưỡng, thiếu các hoạt động thể thao và nhiều người trong số họ còn làm việc trong kỳ nghỉ phép”.

Nhiều nhà lãnh đạo vắt kiệt sức lực của bản thân vào những đêm làm việc muộn và sáng sớm. Họ phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi để bắt kịp lịch trình bận rộn trong ngày.
Vấn đề làm việc đến kiệt sức có liên quan đến văn hóa doanh nghiệp và các thông điệp được truyền đạt một cách có chủ ý hoặc vô ý xuyên suốt. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp cần hành động để cải thiện sức khỏe giấc ngủ của lực lượng lao động.

phương pháp luyện tập tạo nên môi trường làm việc thân thiện với giấc ngủ
Nhiều tổ chức lớn như PricewaterhouseCoopers, Google, NASA và Ben & Jerry’s đã nghiên cứu và cho ra đời các phương pháp thực hành để có một giấc ngủ lành mạnh. Dưới đây là 5 hoạt động thực hành mà các tổ chức có thể thực hiện:
1. Nâng cao nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của giấc ngủ
Doanh nghiệp cần tạo ra một chương trình hoặc chiến dịch “nâng cao nhận thức về giấc ngủ” để thách thức khái niệm truyền thống cho rằng việc ngủ nghỉ là yếu kém và lãng phí thời gian. Chương trình này có thể được triển khai đơn lẻ hoặc là một phần của chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân viên hoặc những sáng kiến phát triển lớn hơn.
• Làm việc nhiều hơn không đồng nghĩa với việc đạt được năng suất cao hơn, bạn hãy lan tỏa đến mọi người ý tưởng đó. Hãy đặt câu hỏi thách thức các quan niệm coi trọng số giờ làm việc hơn là kết quả công việc.
• Hãy cho mọi người biết rằng khi họ mệt mỏi, họ sẽ kém hiệu quả hơn trong vai trò người lãnh đạo và quản lý. Khuyến khích nhân viên xem giấc ngủ là một cách đơn giản, dễ thực hiện và không tốn nhiều chi phí để thúc đẩy hiệu suất công việc.
• Hãy chia sẻ những thông tin khoa học liên quan đến giấc ngủ. Mọi người thường muốn biết các nghiên cứu khoa học đằng sau những gợi ý của bạn. Hãy chia sẻ các bài viết, bí quyết và liên kết hữu ích thông qua các kênh tương tác mà nhân viên hay sử dụng.
2. Khuyến khích những nhà lãnh đạo làm gương trong việc giảm thiểu văn hóa làm việc 24/7
Hãy kêu gọi các giám đốc điều hành cấp cao cùng đồng hành và hỗ trợ bạn truyền đạt thông điệp về giấc ngủ. Một giấc ngủ sâu sẽ cải thiện hiệu suất làm việc, sức khỏe của các nhà lãnh đạo và của toàn bộ tổ chức.
• Các nhà lãnh đạo cần đưa ra chuẩn mực về hành vi. Ví dụ, họ nên tránh các cuộc thảo luận về công việc lúc 4 giờ sáng hoặc gửi email vào nửa đêm. Hành vi này ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa doanh nghiệp và đặt ra những kỳ vọng không lành mạnh cho người khác.
• Tổ chức những cuộc gặp gỡ với người quản lý của những nhóm có đặc thù công việc đòi hỏi phải làm việc nhiều giờ liền và di chuyển liên tục. Giúp họ hiểu được giá trị của việc ngủ nhiều hơn đối với bản thân. Khuyến khích họ tập trung vào giấc ngủ như một cách để trở nên hiệu quả hơn và hỗ trợ nhân viên của họ nghỉ ngơi nhiều hơn.
• Kiến nghị các nhà lãnh đạo cấp cao cùng thảo luận những thách thức về giấc ngủ mà nhân viên phải đối mặt và tìm ra giải pháp khả thi trong các cuộc họp hoặc các buổi đào tạo định kỳ.
3. Phân định ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi
Hãy biến việc ngủ nghỉ thành thông lệ và lịch trình hàng ngày. Bên cạnh việc tuyên truyền các thông điệp nâng cao nhận thức về giấc ngủ, bạn cần xem xét liệu doanh nghiệp của bạn có những hành vi nào đi ngược lại tinh thần nghỉ ngơi.
• Cho phép nhân viên có thời gian chuyển tiếp giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Khi nhân viên của bạn nghỉ phép để thư giãn, hãy hỗ trợ họ.
• Phân chia khoảng thời gian nghỉ ngơi thành từng ca nhỏ trong ngày.
4. Khuyến khích nhân viên ngủ nghỉ tại nơi làm việc

Chắc hẳn điều này nghe rất khó tin với bạn? Bạn hãy quên đi câu nói kinh điển “không được ngủ khi làm việc”. Thay vào đó, bạn hãy cho mọi người biết thông điệp rằng giấc ngủ thực sự được đánh giá cao và dẫn đến hiệu suất tối ưu trong công việc.
• Bạn hãy trang bị cho văn phòng làm việc của mình khu vực “nạp năng lượng” bao gồm những chiếc ghế êm ái, phòng nghỉ trưa thoải mái và đừng quên hướng dẫn nhân viên cách sử dụng.
• Việc cho nhân viên biết về những tiện ích này rất quan trọng. Nếu bạn không khuyến khích họ, nhân viên của bạn có lẽ sẽ chẳng bao giờ sử dụng chúng.
5. Điều chỉnh lịch trình làm việc phù hợp cho nhân viên
Trong điều kiện có thể, bạn hãy cân nhắc việc cho phép nhân viên làm việc theo những khung giờ linh hoạt hoặc làm việc từ xa để nhân viên có thể mang lại hiệu suất làm việc tốt nhất theo lịch trình riêng của họ.
• Cân nhắc việc cho phép nhân viên nghỉ ngơi sau những chuyến công tác và làm việc với các phòng ban để đưa ra các quy tắc làm việc chuẩn nhằm đảm bảo khả năng làm việc trên nhiều múi giờ khác nhau.
• Hãy để các phòng ban chọn một tuần mỗi tháng cho việc thư giãn, giảm thời gian làm việc và tái tạo năng lượng bằng việc ngủ nghỉ nhiều hơn.
• Nhưng bạn cũng nên chấp nhận thực tế rằng ngày nay mọi người thường làm việc quá sức, không chỉ trong công việc mà còn ở những khía cạnh khác của cuộc sống. Bạn không thể thay đổi điều này trong một sớm một chiều nhưng bạn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi văn hóa làm việc và giúp mọi người tận hưởng nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Nguồn: Center for Creative Leadership

Chia sẻ


has been added to your cart.
Thanh toán