Điều Gì Tạo Nên Một Môi Trường Làm Việc Tôn Trọng Tại Doanh Nghiệp Của Bạn?
04/10/2022Bầu không khí tràn đầy sự tôn trọng sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tiến xa hơn.
Trên thực tế, khi đề cập đến việc giải quyết xung đột hoặc căng thẳng, các nhà nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện ra rằng một trong những điều hữu ích nhất mà một nhà lãnh đạo có thể làm là đối xử với mọi người đầy tôn trọng. Các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng văn hóa tôn trọng nếu họ muốn thu hút, giữ chân và tận dụng sự đóng góp của tất cả nhân tài trong doanh nghiệp.
Nhà nghiên cứu Kelly Hannum, đồng tác giả của cuốn sách Leading Across Differences cho biết: “Tuy nhiên, trong nơi làm việc và xã hội, chúng ta thường phải đối mặt với sự nghi ngờ hoặc căng thẳng về sự khác biệt của mình.”
Việc thiết lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ tôn trọng giữa nhiều nhóm khác nhau có thể là một thách thức đối với các nhà lãnh đạo, nhưng việc hợp tác hiệu quả vượt qua những ranh giới là một kỹ năng lãnh đạo thiết yếu. Điều quan trọng các nhà lãnh đạo phải làm là xây dựng văn hóa tôn trọng trong tổ chức và tạo ra một môi trường tâm lý an toàn tại nơi làm việc.
3 quan điểm về sự tôn trọng
Cuộc khảo sát nghiên cứu của chúng tôi với hơn 3000 nhân viên trên 10 quốc gia khác nhau cho thấy rằng sự tôn trọng không chỉ hữu ích trong việc giải quyết xung đột giữa các nhóm, mà nó còn được xem như một phẩm chất lãnh đạo quan trọng.
“Đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó có thể không trực quan như bạn nghĩ”, Hannum giải thích. Cô ấy lưu ý 3 yếu tố chính từ nghiên cứu cho thấy sự tôn trọng thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với tâm lý con người.
1. Tôn trọng là lắng nghe:
Mọi người cảm thấy được tôn trọng khi họ được lắng nghe và thấu hiểu. Việc thực sự quan tâm và cởi mở với người khác giúp củng cố các mối quan hệ và xây dựng lòng tin. Bạn không cần phải đồng ý hoặc thích quan điểm của người khác, bạn chỉ cần chú tâm lắng nghe chúng.
Dành thời gian lắng nghe một cách chủ động nhằm hiểu kinh nghiệm, ý tưởng và quan điểm của ai đó là điều đáng trân trọng – ngay cả khi bạn không đồng ý với họ.
2. Thể hiện sự tôn trọng không chỉ là việc tránh những hành vi thiếu tôn trọng:
Việc loại bỏ sự thiếu tôn trọng thông qua việc giảm thiểu những lời nói, hành vi thô lỗ, hay sự xúc phạm hoặc hạ thấp người khác đều chưa đủ để tạo nên sự tôn trọng.
Tôn trọn đòi hỏi sự hành động. Chúng ta thể hiện thái độ tôn trọng, sau đó chúng ta hành động một cách đầy tôn trọng. Chúng ta giao tiếp với tất cả sự tôn trọng.
Hannum nói: “Các nhà lãnh đạo cần biết rằng việc tránh các hành vi thiếu tôn trọng không có tác động tích cực trong việc giải quyết bất đồng, xung đột hoặc căng thẳng”.
3. Sự tôn trọng được thể hiện bằng nhiều cách:
Quan điểm về sự tôn trọng của một người thường chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố về văn hóa, gia đình, môi trường làm việc và các mối quan hệ xã hội. Địa vị, quyền lực và vai trò xã hội của một người đều tạo ra những bối cảnh khác nhau để diễn giải quan điểm về sự tôn trọng. Các nhà lãnh đạo cần dành thời gian để hiểu về những ảnh huởng mà bản sắc xã hội tác động đến cách lãnh đạo của mình và cách mọi người trong một nền văn hoá nhất định bày tỏ và nhận được sự tôn trọng. Sự thấu hiểu về văn hoá (Cultural Intelligence) đặc biệt quan trọng khi bạn lãnh đạo một nhóm người đa văn hóa.
“Bạn có thể không cần phải thực hiện những thay đổi lớn trong hành vi của mình”, Hannum nói. “Điều bạn cần làm là hiểu và thừa nhận những gì người khác mong đợi ở bạn”.
Làm thế nào để xây dựng văn hoá tôn trọng trong môi trường làm việc.
Bạn có thể nuôi dưỡng sự tôn trọng trong doanh nghiệp của mình theo những cách sau:
Hãy thể hiện sự quan tâm, đồng thời đánh giá cao quan điểm, kiến thức, kỹ năng và khả năng của người khác. Đừng ngần ngại thể hiện sự công nhận và lòng biết ơn chân thành đối với những nỗ lực và đóng góp của đồng nghiệp.
Bạn hãy trao đổi thông tin về quy trình làm việc nội bộ một cách cởi mở để mọi người dễ dàng tiếp cận với những thông tin đó.
Bạn cũng cần làm cho quá trình đưa ra quyết định trở nên minh bạch hơn, đồng thời khuyến khích những ý kiến đóng góp vào các quá trình đó, nhằm tránh những sai sót trong quá trình lãnh đạo toàn diện.
Hãy tự hỏi liệu bạn có thể là một chỗ dựa an toàn cho đồng nghiệp hay chưa. Hãy chắc chắn rằng bạn nắm vững tinh thần đồng đội qua việc ủng hộ đồng nghiệp của mình không chỉ vì những tư lợi cho bản thân, mà thực sự vì mối quan hệ khăng khít với người đó.
Hãy quan tâm người khác một cách nghiêm túc. Nếu đồng nghiệp của bạn chia sẻ với bạn về những lỗi lầm mà họ mắc phải, hãy thể hiện sự đồng cảm chân thành khi bạn lắng nghe họ. Hãy nhận thức rằng sự đồng cảm và hòa nhập là điều bắt buộc để tạo nên các sáng kiến đa dạng.
Về cốt lõi, tôn trọng là một quá trình đòi hỏi sự chú ý, quan tâm đến mọi người. Các nhà lãnh đạo phải tránh đưa ra các giả định mà nếu chưa được kiểm chứng, có thể dẫn đến hiểu lầm và các hành động không hiệu quả. Nuôi dưỡng bầu không khí tôn trọng đòi hỏi những hành động có chủ đích từ mỗi nhà lãnh đạo và bản thân doanh nghiệp.