Phát Triển Bản Thân, Đừng Chờ Đến Khi Rãnh Hay Khi Có Kế Hoạch Hoàn Hảo.

5 năm nay, trainer Phước Long đã phụ trách chương trình phát triển bản thân (gọi tắt là IDP – Individual Development PLan)  cho nhân viên có nhiều “tiềm năng” của các bộ phận trong 1 tập đoàn đa quốc gia. Anh đã rút kết được vài quan sát chiêm nghiệm về quy luật: Cách làm tạo ra kết quả của những nhóm suy nghĩ và hành động khác nhau. Quả ngọt hay không trổ quả đều tùy thuộc vào cách thức mỗi cá nhân đối diện và nghiêm túc trải qua quá trình phát triển bản thân ra sao.

Mời các bạn cùng đọc bài dưới đây để hiểu hơn về các nhóm hành động phát triển bản thân và nguyên nhân thất bại trong quá trình “lột xác” này nhé.

  1. Phát triển bản thân – IDP là gì?

Phát triển bản thân, tiếng Anh IDP – Individual Development Plan, là kế hoạch phát triển sự nghiệp của nhân viên trong tổ chức, đây là kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên mục tiêu ngắn hạn trong sự nghiệp của nhân viên.

Thông thường, nhân viên tham gia chương trình IDP hội đủ 2 yếu tố cơ bản.

  • Thứ 1, đó là nhân viên tiềm năng, được tổ chức lựa chọn để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kế thừa.
  • Thứ 2, nhân viên đó mong muốn phát triển trong tổ chức.

Có thể nói, nhân sự tham gia IDP là người được công nhận năng lực và có tiềm năng phát triển, được đánh giá cao trong tổ chức. Đây là 1 cơ hội “mơ ước” của hầu hết mọi người. Cái họ cần làm và được yêu cầu làm là trải qua 1 quá trình phát triển bản thân, nâng cấp phù hợp với yêu cầu cao hơn trong tổ chức, và hứa hẹn những chức vị cùng thu nhập hấp dẫn.

Leadersupdate

  1. Thực tế Quá trình Phát triển bản thân: từ Chuyện Học tới chuyện “Hành”

Tuy đã nắm lấy cơ hội vàng, tham gia IDP với nhiều hứa hẹn phát triển bản thân và phù hợp mong đợi của tổ chức là trở thành 1 nhân tài nòng cốt, cá nhân sau khi học IDP lại dễ dàng “vuột mất” cơ hội tỏa sáng chỉ vì thiếu quá trình thực hành và chuyển hóa, gọi nôm na là quá trình Nhộng hóa bướm.

Theo kinh nghiệm cá nhân, trainer Phước Long – người có hơn 10 năm kinh nghiệm thực hành IDP và hỗ trợ phát triển bản thân cho nhiều đội nhóm, nhận thấy có 4 nhóm như sau.

  • Nhóm 1 “bận quá, không có thời gian làm IDP”, chiếm khoảng 30%. Sau khi học, hiểu về chương trình IDP, các bạn sẽ xin tạm ngưng vì quá bận rộn với công việc, với các dự án nên không có thời gian làm IDP. Tạm gọi nhóm này là Từ chối phát triển bản thân, cam chịu hiện tại và nguy cơ thụt lùi.
  • Nhóm 2 “chưa có kế hoạch hoàn hảo”, chiếm khoảng 30%. Nhóm này, các bạn đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu, thiết kế IDP. Nhưng IDP chỉ dừng lại tại đây, các bạn cứ hoãn lần hồi vì một 1 lý do “kế hoạch em đang làm, chưa xong, chưa đạt được các yếu tố đo lường sự thành công, …, em thấy IDP không phù hợp với em” sau 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng vẫn chưa ra được kế hoạch. Đây là nhóm nghi ngờ vào hành trình phát triển bản thân đã học nhưng không đủ động lực tiếp tục đi tìm phương án cho mình và vô tình trở về số 0.
  • Nhóm 3: có IDP chỉ trong vòng 4-6 tuần, chiếm khoảng 40%. Tạm chia nhóm này thành 2 nhóm
    • Nhóm 3a “biết rồi, khổ lắm nhắc mãi”: chiếm ~20%. Trong quá trình triển khai IDP, các bạn sẽ làm việc với mentor hỗ trợ chính, còn mình tư vấn, coach, mentor vài chủ đề, hỗ trợ, theo dõi và nhắc nhở các bạn cập nhật tiến độ IDP mỗi 3 tháng. Việc cập nhật cứ nhắc mãi, gặp mặt trực tiếp, gọi điện, nhắn tin, email, ….. mãi mà cũng chưa thấy cập nhật, lúc nào cũng trễ 2-4 tuần. Sự thiếu cam kết phát triển bản thân dẫn đến kết quả đến rất chậm và dễ làm các bạn nản lòng cũng như bỏ cuộc giữa chừng. Tất yếu là lời hứa thăng chức tăng lương cũng cứ treo mãi treo mãi.
    • Nhóm 3b “hết năng lượng với nhóm này”, chiếm khoảng 20%. Nhóm này thì hỏi liên tục về đủ mọi khía cạnh của IDP, “có thay đổi mục tiêu ngắn hạn / dài hạn được không”, “có thay đổi kế hoạch được không”, “mentor không phù hợp”, …. Nhóm này liên tục thay đổi, điểu chỉnh, cải tiến trong khoảng 12 tháng đầu, … Vất vả gian truân lắm cho 1 hành trình phát triển bản thân thật sự, từ cả 2 phía người tham gia và người mentor. Những được cái ai cũng hài lòng vì sớm thấy quả ngọt của nó.

Kết quả là, sau 18-30 tháng thì các bạn nhóm 3b đã hoàn thành IDP và đa số đều được promotion sau 2-3 năm, nhóm 1 vẫn còn đang rất bận, nhóm 2 vẫn chưa có IDP hoàn hảo, nhóm 3a thì tùy duyên.

1 chữ “đợi” cắt đứt mọi cơ hội sống khác đi và làm khác đi của chính bạn.

  1. Dành ra 18 – 30 tháng cho hành trình phát triển bản thân có phải là phung phí không?

Để phát triển sự nghiệp, mỗi người cần có mục tiêu dài hạn (khoảng 5-10 năm) để định hướng tầm nhìn. Từ đó, cắt nhỏ ra thành nhiều mục tiêu ngắn hạn (2-3 năm), giai đoạn 2-3 năm đầu gọi là mục tiêu ngắn hạn thứ nhất.

Để triển khai mục tiêu ngắn hạn thì mình cần làm kế hoạch thực hiện (IDP) thật nghiêm túc. 2-3 năm để thực hiện kế hoạch phát triển bản thân không dài nhưng không rất ngắn, khoảng thời gian đó đủ để một cá nhân học, trải nghiệm để phát huy 2-3 năng lực theo định hướng.

Dục tốc thì bất đạt. Có thể bạn sẽ nghe ai đó bên ngoài với các chương trình phát triển thần tốc, thay đổi bản thân trong vài ngày hay vài tuần… Những chương trình đó chỉ như bán cho bạn thứ nước hoa thành công xức lên người, và rồi sau đó nó lại bay hết hương vị, để lại bạn là 1 con người như cũ mà thôi.

2-3 năm là khoảng thời gian cần thiết để bạn thực sự trải nghiệm, dấn thân và thay đổi từ trong nội tại của bản thân. Hãy so sánh với thời gian bạn sinh ra, lớn lên, và tích lũy những thói quen làm việc như hiện tại, những thói quen hình thành trong mấy chục năm. Để thêm vào hay thay đổi những thói quen cố hữu đó, dành ra 2-3 năm cũng là quá ít ỏi.

Lớn tuổi rồi thì có cần thay đổi không?

Nếu không làm gì cả, thời gian 2-3 năm trôi qua, chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ, nhưng trên thương trường hay trong tổ chức thì chúng ta bị thụt lùi. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, xã hội ngày càng đổi mới.

Nếu chúng ta không phát triển bản thân một cách có chiến lược, có kế hoạch, hoặc thậm chí 1 mục tiêu, 1 ý chí thay đổi bản thân, thì chúng ta sẽ dễ dãi buông xuôi theo ”dòng đời xô đẩy” và mặc kệ bản tính cố hữu cứ phát huy, để gọi là Tôi là thế đấy, trên 1 đỉnh vinh quang ở quá khứ và mãi ôm ảo tưởng về sức mạnh thành công đã không còn. 1 sự nuông chiều cái tôi bản ngã. Điều này mới là phung phí thời gian của chính bạn.

Đằng nào chúng ta cũng ăn, cũng sống, cũng làm việc và 24 giờ cũng trôi qua mỗi ngày. Vậy thì hãy sắp xếp việc học tập có định hướng một cách gọn nhẹ trong khoảng thời gian sẵn có ấy, để sau 2-3 năm, sự nghiệp chúng ta hoàn toàn có thể có bước tiến mới. Bạn sẽ thấy 1 New Me, 1 con người mới của mình và đầy hứng thú với những sự phát triển.

Khi bạn thay đổi, cuộc sống bạn thay đổi. Sự thay đổi là 1 phần thưởng đầy hương vị như chiếc bánh mà bạn chưa từng được thưởng thức nếu không đi du lịch xa. Trải nghiệm 1 con người mới của bản thân là “chất kích thích” khiến người ta chấp nhận quá trình lột xác đau đớn như con nhộng trong kén tằm, để có thể hóa bướm và tự do tung bay.

Hãy tận dụng mọi cơ hội phát triển bản thân đến với bạn, đặc biệt là khi bạn được công ty tài trợ. Hãy nhìn lại 2-3 năm trước, để chúng ta thấy được, 2-3 năm qua chúng ta đã làm gì, đã phát triển được gì, …. Rồi tự suy nghĩ xem “dòng dời xô đẩy” mình như thế nào, hay là chúng ta đang bơi trên dòng đời theo định hướng của mình để tới những nơi mình muốn tới.

Còn chờ gì nữa mà không dành ra 3-4 giờ mỗi tuần trong tuổi thanh xuân để phát triển bản thân, để sau này mà hưởng thụ thành quả của những ngày thanh xuân hôm nay. Phát triển hôm nay, tận hưởng ngày mai, đúng theo nghĩa của câu “gừng càng già càng cay”

Lời kết:

Với góc nhìn cá nhân, trainer Phước Long có 1 lời khuyên cho các bạn muốn phát triển bản thân “hãy tự tìm hiểu bản thân mình, xây dựng kế hoạch phát triển bản thân “không hoàn hảo”, tiến hành triển khai IDP, rồi từ từ điều chỉnh thì bạn sẽ về đích nhanh hơn kế hoạch đề ra. Càng bận rộn thì càng phải làm IDP. Và sẽ không bao giờ có IDP hoàn hảo, chỉ có IDP phù hợp”.

Trainer Phước Long

 

 

Chia sẻ


has been added to your cart.
Thanh toán