Sức Mạnh Của Self-Talk – Tự Thoại Tích Cực Đối Với Người Lãnh Đạo Trong Thời Kỳ Khủng Hoảng

Cho dù bạn đang làm việc gì và như thế nào, làm từ xa hay làm ngoài giờ, hay đang phải vật lộn để tìm việc… cũng không thể phủ nhận đại dịch đã khiến bạn và tổ chức của bạn rơi vào tình trạng khủng khoảng. Và nếu bạn là người lãnh đạo, khó khăn trên vai bạn còn được nhân lên gấp bội phần. Trong giai đoạn khó khăn và nhạy cảm, mọi người có xu hướng tìm đến người lãnh đạo để được hướng dẫn và định hướng. Do đó, người lãnh đạo không chỉ chịu trách nhiệm trong việc đưa ra các quyết định khó khăn, mà mọi ánh nhìn đều đang đổ dồn khiến người lãnh đạo càng phải chịu nhiều áp lực hơn. Người lãnh đạo buộc phải trở thành một hình mẫu tốt để làm điểm tựa cho nhân viên, cho tổ chức của mình, bao gồm cả việc kiểm soát các phản ứng và cảm xúc của chính mình.

Tuy nhiên, nói thì dễ, nhưng là một con người, nhà lãnh đạo đôi lúc cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, giống như nhân viên của mình vậy. Lúc này đây, tự nói chuyện với chính mình, hay còn lại là self-talk, lại là một trong những phương pháp hiệu quả giúp xoa dịu những cảm giác trên

Làm thế nào để khai thác sức mạnh của self-talk, hay tự thoại tích cực?

Cho dù bạn đang nói to, trong đầu hay trong nhật ký, hãy làm theo các nguyên tắc sau để tận dụng sức mạnh của sự tự nói tích cực khi vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại.

1. Ngừng sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” để tự thoại.
Các nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Michigan đã phát hiện ra rằng những người tự nói chuyện với bản thân bằng “ngôi thứ hai”, ví dụ như “Bạn đang làm rất tốt” hoặc sử dụng tên của chính họ như “Làm tốt lắm, Cathleen!”, sẽ có hiệu quả tốt hơn so với việc tự nói chuyện ở “ngôi thứ nhất”, như “Tôi đang làm rất tốt”. Cụ thể, người self-talk tích cực ở ngôi thứ hai có thể:

  • Phục hồi nhanh hơn từ các tác nhân gây căng thẳng xã hội;
  • Được đánh giá là tạo ấn tượng tốt hơn bởi những người khác;
  • Thể hiện tốt hơn khi phải nói trước đám đông;
  • Xem các nhiệm vụ khó khăn như là thách thức chứ không phải là mối đe dọa.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các nhà lãnh đạo sử dụng cách tự thoại ở ngôi thứ hai được đánh giá là “ít có khả năng bị trật đường ray hơn” bởi các đồng nghiệp của họ. Mặc khác, các nhà lãnh đạo sử dụng đại từ “Tôi” lại bị đánh giá hiệu suất thấp hơn bởi cấp trên và khả năng “trật đường ray” cao hơn bởi đồng nghiệp của họ. Bởi vì theo các nhà nghiên cứu, thủ thuật sử dụng đại từ này sẽ khiến các nhà lãnh đạo lùi lại một bước để nhìn nhận bức tranh một cách toàn cảnh hơn, khách quan hơn thay vì chủ quan theo đại từ “Tôi”.

2. Nói chuyện với chính mình như cách bạn nói chuyện với người bạn thân thiết nhất.
Bạn có muốn làm việc cho một người có xu hướng la hét bằng những từ ngữ gay gắt không? Nếu không, bạn cũng đừng nên làm điều đó với chính mình. Các nghiên cứu cho thấy rằng, trong các bức thư mà lãnh đạo tự biết cho bản thân mình, những người thường chửi bới hoặc dùng những lời lẽ nặng nề cho chính bản thân mình trong thư thường kém hiệu quả hơn so với những người khác.

Có 2 kiểu tự thoại tích cực người ta thống kê được từ 200 bức thư mà các lãnh đạo cấp cao đã tự viết cho chính họ, đó là:

  • Tự thoại mang tính xây dựng: bao gồm những nhận xét có chiều sâu, có ý nghĩa, có động lực và tự phản ánh.
  • Tự thoại bất thường (dysfunctional self-talk): bao gồm những nhận xét mang tính chỉ trích hoặc quá tập trung vào các khía cạnh tiêu cực của tình huống.

Đừng để tự thoại tiêu cực xâm lấn bạn

Tự thoại mang tính xây dựng hóa ra lại liên quan tích cực đến khả năng lãnh đạo hiệu quả và liên quan tiêu cực đến sự căng thẳng trong công việc. Trong khi đó, tự thoại bất thường lại chỉ khiến cho sự sáng tạo bị vùi lấp đi mà thôi.

Vì vậy, lời nói của bạn rất quan trọng, ngay cả khi bạn là người duy nhất nghe nó. Cách đơn giản nhất là bạn hãy nói chuyện với bản thân như thể đang nói chuyện với một người bạn thân thiết. Hãy trung thực, nhưng đừng nói xấu. Hãy mang đến sự yên tâm và động lực, nhưng cũng đừng ngụy biện về những điều bạn đã làm sai.

3. Để mắt đến những “suy nghĩ méo mó” hình thành bên trong bạn. 
Chúng ta luôn cho rằng những suy nghĩ và và cảm xúc của bản thân đều là những phản ánh khách quan của thực tế, nhưng không hẳn là như vậy. Các nhà tâm lý học từ lâu đã khẳng định rằng suy nghĩ có thể bị bóp méo, đặc biệt là trong thời gian căng thẳng. Các ví dụ điển hình đó là:

  • Tư duy trắng đen – xu hướng nhìn nhận một tình huống theo một trong hai khả năng: có tất cả hoặc không có gì.
  • Thảm họa hóa – ngay lập tức nghĩ đến tình huống xấu nhất.
  • Tổng quát hóa thái quá – lấy một sự việc và khái quát hóa quá rộng.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng những “biến dạng nhận thức” này có thể là một cơ chế sống sót để giúp mọi người đối phó với căng thẳng kéo dài. Bởi sau cùng, suy nghĩ về tình huống xấu nhất có thể sẽ giúp bạn sống sót trong tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, kiểu “suy nghĩ méo mó” này có thể trở thành thói quen và dẫn đến việc căng thẳng, lo lắng hay đưa ra những quyết định sai lầm. Tin tốt là một khi bạn nhận thức được những biến dạng này, bạn có thể học cách nhận ra chúng và không để chúng dẫn bạn đi lạc hướng.

4. “Mang mặt nạ dưỡng khí của mình trước khi hỗ trợ người khác”. 
Khi ở trong giai đoạn khủng hoảng, tập trung vào việc tự thoại có thể khiến bạn cảm thấy ích kỷ hoặc vô không phù hợp, bởi có rất nhiều người đang trông đợi sự trợ giúp từ một người lãnh đạo như bạn. Nhưng hãy nhớ một điều rằng, trong đào tạo về khủng hoảng và các trường hợp khẩn cấp, phổ biến nhất là hướng dẫn của tiếp viên hàng không trước khi bay, luôn yêu cầu bạn hãy mang mặc nạ dưỡng khí cho mình trước, rồi mới tiến đến hỗ trợ những người khác.

Lời khuyên này rất đúng đắn, bởi vì bạn sẽ không thể giúp đỡ người khác nếu bản thân bạn cũng đang trong tình trạng không ổn định. Do đó, nếu muốn thể hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình, muốn dẫn dắt đội nhóm, tổ chức của mình vượt qua cơn khủng hoảng, không còn cách nào khác là bạn phải bình tĩnh, hiểu những gì đang xảy ra xung quanh và bắt đầu dẫn dắt bản thân mình. Bằng một câu tự thoại đơn giản như: “Bạn có thể làm được” chẳng hạn.

Nguồn: Center for Creative Leadership

Chia sẻ


has been added to your cart.
Thanh toán