8 Bước Giúp Bạn Trở Thành Nhà Lãnh Đạo Thích Ứng Hơn

Làm thế nào để trở thành một nhà lãnh đạo thích ứng
Bền bỉ được định nghĩa là khả năng thích ứng với những thách thức mới trong cuộc sống. Sự bền bỉ chính là phẩm chất quan trọng giúp chúng ta thích nghi và vượt qua những thay đổi vô tiền khoáng hậu cả trong sự nghiệp và trong cuộc sống cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Và trong giây phút hiện tại, sự bền bỉ của chúng ta còn được thử thách nhiều hơn bao giờ hết.
Nếu bạn đang đảm nhận vai trò là một nhà quản lý, điều rất quan trọng mà bạn nên thực hiện đối với đồng nghiệp của mình là khả năng lãnh đạo thích ứng. Một nhà lãnh đạo thích ứng là người có khả năng nhìn nhận thất bại như một giai đoạn thoái lui ngắn, và dùng sức mạnh của mình để nhanh chóng tiến về phía trước và biến thách thức thành cơ hội.
Trong những giai đoạn khó khăn, các cộng sự của bạn luôn có khuynh hướng tìm kiếm bạn để nhận sự hỗ trợ và động lực để bước tiếp. Họ đang tìm kiếm bạn để thiết lập định hướng và xây dựng sự cam kết.
Nếu bạn thực hành khả năng lãnh đạo thích ứng, bạn có thể tạo ra một kết quả tích cực giúp người khác duy trì sức mạnh tinh thần hướng đến tầm nhìn chung của tổ chức, đồng thời khơi gợi trong họ sự can đảm để vượt qua thất bại và tiến về phía trước.
Nếu đại dịch COVID đang thử thách khả năng thích ứng của bạn, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những phương cách giúp bạn tăng sự bền bỉ cho chính mình. Bằng cách sửa đổi suy nghĩ và hành động của mình, bạn có thể thay đổi quan điểm, thói quen và phản ứng của bản thân để trở thành một nhà lãnh đạo thích ứng hơn. Điều đó không chỉ giúp hoàn thiện bản thân, mà nó còn truyền cảm hứng giúp nhân viên, đồng nghiệp của bạn trở nên dễ thích ứng hơn với những thay đổi.

 

Nền tảng cho khả năng lãnh đạo thích ứng 
Chúng tôi tin rằng quá trình xây dựng khả năng thích ứng là một nỗ lực toàn diện. Việc này đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần phối hợp các yếu tố bao gồm cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đã phát triển bộ khung sau đây nhằm giúp bạn xây dựng kỹ năng lãnh đạo thích ứng.

4 yếu tố cốt lõi làm nên một nhà lãnh đạo thích ứng
 Khả năng phục hồi thể chất là khả năng đáp ứng của cơ thể với các yếu tố gây căng thẳng bằng sức mạnh và sức bền; cũng như khả năng phục hồi sau những tổn thương.
● Khả năng phục hồi tinh thần là khả năng duy trì hoặc lấy lại các năng lực nhận thức khi trí não đối mặt với những tác nhân gây căng thẳng và sản sinh những ý tưởng sáng tạo.
● Khả năng phục hồi cảm xúc tập trung vào khả năng nhận thức rõ, thấu hiểu, và điều chỉnh cảm xúc, cũng như khả năng lựa chọn cảm xúc và phản ứng một cách có ý thức với yếu tố tác động thay vì chỉ tự động phản ứng.
● Khả năng phục hồi xã hội phản ánh khả năng cộng tác của một cá nhân với những người khác để chịu đựng và phục hồi từ các yếu tố gây căng thẳng.
Mỗi yếu tố đều rất quan trọng nhằm giúp các nhà lãnh đạo ứng phó với các tình huống khó khăn và góp phần vào sự thịnh vượng, cảm giác hài lòng trong cuộc sống và hạnh phúc của mỗi cá nhân. Điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là 4 yếu tố cốt lõi này đan xen, chồng chéo và củng cố lẫn nhau. Từ đó, chúng cùng hợp sức đóng góp vào năng lực lãnh đạo thích ứng của một nhà lãnh đạo.

8 cách giúp bạn tăng cường khả năng lãnh đạo thích ứng
Để trở thành một nhà lãnh đạo thích ứng và phát triển trong từng yếu tố cốt lõi trên, hãy tập trung vào 8 cách thức luyện tập sau đây:

1. Tăng cường hoạt động thể chất
Ngoài việc giảm huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu, việc tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện khả năng xử lý căng thẳng và đồng thời giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo dẻo dai và hiệu quả hơn.
2. Ngủ đủ giấc
Hãy tách bản thân khỏi công việc và dành thời gian cho một giấc ngủ sâu kéo dài từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm. Đây là điều được khoa học chứng minh giúp tăng cường khả năng lãnh đạo thích ứng.
3. Tăng cường trạng thái tỉnh thức
Cho dù bạn đang tận hưởng thành công rực rỡ hay chịu đựng khó khăn, gian khổ, đừng quên dành thời gian cho sự tỉnh thức trong thời điểm hiện tại. Sự tỉnh thức thúc đẩy trải nghiệm học tập, giúp bạn hình thành các quan điểm mới và tăng cường mức độ tự nhận thức, từ đó đẩy mạnh sự bền bỉ trong bạn và giúp bạn xây dựng khả năng lãnh đạo thích ứng tốt hơn.
4. Thách thức các giả định của bạn
Học cách chú ý và thách thức các giả định chưa chính xác về những gì người khác đang suy nghĩ và hành động. Đây là quá trình mà các nhà tâm lý học gọi là “sự tự đánh giá lại nhận thức”. Nhận thức của chúng ta có nhiều khả năng trở nên méo mó hoặc phi lý khi chúng ta đối mặt với căng thẳng. Trong nhiều trường hợp, chúng đơn giản hóa quá mức một tình huống dẫn đến những kết quả không chính xác. Khi bạn thách thức những giả định này, bạn có thể thu về những niềm tin chính xác và giảm bớt sự căng thẳng.
5. Trân trọng những điều ngọt ngào trong cuộc sống
Thúc đẩy và kéo dài tâm trạng tích cực trong bạn bằng cách trân trọng những điều ngọt ngào mà cuộc sống mang đến cho bạn. Việc tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống là rất quan trọng bởi vì các nhà nghiên cứu khoa học thần kinh đã chứng minh rằng não bộ của chúng ta thường có thiên hướng suy nghĩ tiêu cực, vì vậy các nhà lãnh đạo phải không ngừng chạm đến những điều tích cực để nâng cao khả năng lãnh đạo thích ứng.
6. Thực hành lòng biết ơn
Hãy dành thời gian để ghi nhận và trân trọng những điều nhỏ nhặt mà bạn nhận được trong ngày. Bạn càng thực hành lòng biết ơn, những điều tốt đẹp sẽ càng được “kích hoạt” và tìm đến bạn.

7. Xây dựng những kết nối xã hội
Hãy phát triển và nuôi dưỡng một mạng lưới rộng lớn các mối quan hệ cá nhân và công việc. Tất nhiên, một mạng lưới quan hệ rộng lớn trong công việc rất quan trọng trong việc giúp bạn đạt được kết quả kinh doanh và đáp ứng các mục tiêu nghề nghiệp như mong đợi. Nhưng bạn đừng quên rằng, các mối quan hệ cá nhân cũng cần được bạn đầu tư. Những mối quan hệ này có thể hỗ trợ bạn trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi bạn đấu tranh giữa công việc và cuộc sống. Cả hai loại kết nối xã hội đều rất quan trọng trong việc giúp bạn đối phó với những khó khăn và phát triển bản thân. Hãy nhớ rằng các kết nối xã hội mạnh mẽ là rất cần thiết đối với việc xây dựng khả năng lãnh đạo thích ứng trong đội nhóm.
8. Sử dụng các giác quan của bạn, đặc biệt là xúc giác
Khi chúng ta nghĩ đến việc sử dụng các giác quan, chúng ta thường bỏ qua xúc giác. Nhưng những tiếp xúc thể chất là một cách đơn giản và hiệu quả giúp con người giảm lo lắng và căng thẳng. Bởi vì việc tiếp xúc về mặt thể chất không khả thi trong một môi trường làm việc từ xa hoặc tích hợp, và có thể được xem là không phù hợp hoặc dễ gây hiểu lầm trong bối cảnh công việc, nên bạn hãy sử dụng giác quan này trong cuộc sống cá nhân của mình, nơi bạn có thể thoải mái tiếp xúc với những người thân thiết và vuốt ve thú cưng. Ngay cả những tiếp xúc đơn giản, thoáng qua như một cái nắm tay, một cú đập tay cũng có thể góp phần tăng cường sức khỏe.
Khi bạn phối hợp 8 cách thức luyện tập trên, chúng sẽ khiến bạn trở thành một người hạnh phúc hơn, thành công hơn, với tư cách là một nhà lãnh đạo trong công việc và một cá nhân có khả năng thích ứng, sẵn sàng cho tương lai.

Nguồn: Center for Creative Leadership

Chia sẻ


has been added to your cart.
Thanh toán