Đằng Sau Sự Phán Xét Là Gì?
04/10/2022Chúng ta rất thường nghe nhưng câu đối thoại kiểu:
– “Mua đôi giày với giá này là đắt rồi!”, “Ủa so với giá nào mà nói vậy, đây là giày hiệu à nha? “
– “Làm việc rề rà như vầy mà gọi là sếp à! ”, “Ủa vậy căn cứ vào đâu mà nói là rề rà?“
– “Nói năng kiểu đó mà cũng làm sếp được sao!” “Ủa nói kiểu nào là kiểu của sếp ta?”
(Ảnh: Ryan Johnson/NPR)
Đằng sau sự phán xét có lý lẽ là một sự so sánh. Người hay dùng lý lẽ thường so sánh những gì họ đang quan sát với những gì họ đang xem là tiêu chuẩn. Phần đông, vì người nghe không biết được so sánh với cái gì nên họ chỉ hiểu là bị phán xét, chê bai, chỉ trích, oán hờn, phê phán hay lên lớp dạy đời, ít ai cho đó là lời góp ý chân thành. Khi phán xét có lý lẽ, não sẽ đưa ra sự so sánh, rất nhanh, rồi miệng mới nói ra. Rất ít người thích thú khi bị đem ra so sánh, nên phán xét là cách nhanh nhất để làm mọi người mất hứng và không muốn giao tiếp với chúng ta nữa, đó là một cách rất hiệu quả để bạn khuyến khích mọi người xa lánh mình!
Nếu không phải đi từ lý trí, đằng sau sự phán xét có thể chỉ là cảm xúc: như phấn khích, sợ hãi, đố kỵ, yêu thương, ganh ghét, vô ơn, tình nghĩa … Ví dụ nếu đó là nỗi sợ bị người khác nhìn nhận không đủ năng lực thì sao? Hai mươi năm trước, lần đầu tiên được làm sếp, bỗng dưng tôi thấy sợ quyền uy của mình bị xói mòn, sợ tiếng nói của các nhân viên giỏi có thể “lớn giọng” hơn tiếng nói của một “lãnh đạo mới nổi” như tôi .. thế là tôi bắt đầu phán xét các nhân viên mà bản thân nào hay nào biết mình hăng hái như vậy! Đến khi nhìn vào bảng khảo sát 360 độ cuối năm, tôi mới chới với khi thấy đồng nghiệp và nhân nhân viên thuộc cấp, cả hai nhóm đều đồng lòng nhất trí toàn tập cùng đánh giá tôi là người đưa ra nhiều phán xét hơn là góp ý … Bây giờ nhớ lại thấy cũng còn hổ thẹn, chỉ vì nỗi sợ bị xem thường mà tôi đã … phản ứng nhanh bằng cách hăng hái phán xét nhân viên, đăc biệt là nhân viên giỏi. Cũng may, bệnh phán xét đó được anh Kevin, một Trưởng phòng Kinh doanh người Malaysia giúp tôi trị dứt bệnh này trong vòng 3 tháng. Bằng việc trao lại góc nhìn và cho tôi thấy những “điểm mù” mà tôi đã không hiểu về bản thân mình, Sếp Kevin đã giúp tôi thay đổi hành vi này một cách thực sự tận gốc. Đây đúng là một người coach quá giỏi mà tôi từng làm việc chung.
Cũng nhiều người có thói quen “tự nhiên thích phê phán” người khác mà không cần lý do gì hết. Phán xét chỉ là một thú vui mà chính họ cũng khó mà biết được lần đầu tiên làm vậy là lúc nào, và ở đâu. Lúc đầu phán xét làm họ an tâm và thích thú vì “ta hơn người”, và rồi không gặp phản đối nào đáng kể nên sự thích thú đó tiếp tục nảy sinh, riết rồi thành thói quen. Khi phán xét chỉ vì thích thú nên họ chẳng mấy để ý hoặc là không hề biết, hoặc có khi biết mà không áp dụng quy tắc ứng xử cơ bản này “ Việc gì mình không thích thì cũng đừng làm cho người khác “
Ngoài thú vui vô tâm đó, đằng sau sự phán xét cũng có thể là một ham muốn. Ham muốn được chú ý, được quan tâm, được nổi bật, được tôn trọng. Đó có thể là ham muốn thể hiện chức vụ, địa vị, quyền lực khi người phán xét tự phong cho mình có đủ tư cách, có quyền để sự so sánh này nọ về người khác, bất chấp nội dung đó có xác thực hay hợp lý. Đó còn là ham muốn thể hiện kiến thức, kỹ năng hay kinh nghiệm mà họ xét thấy mình là uyên bác hơn, đủ để phán xét người khác … Nói cho gọn, nhiều người hay phán xét là để thể hiện ham muốn cái cảm giác được là xem là người đặc biệt quan trọng, đây là một nhu cầu rất bản năng như ăn, uống, hít thở vậy.. nên bảo họ nhịn cũng khó lắm à nghen
Phía sau sự phán xét còn có một lý do hơi “ngộ tí”, đó là “Vì thương lắm nên mới nói thẳng”. Nhưng họ chỉ không thể ngờ là những lời lẽ chỉ trích, xét đoán, chê bai, oán trách, lên lớp dạy đời.. lại tuông trào lúc cao hứng, không kịp “stop” lại. Vậy nên người nghe phải than rằng, khi cơn nghiện phán xét đã nổi lên thì người ta rất khó mà kềm chế cảm xúc xối xả. Tại cùng một thời điểm, não của con người chỉ có thể thực hiện một việc mà thôi, lúc phán xét thì không yêu thương, lúc yêu thương thì không phán xét.
(Ảnh: Pinterest)
Có lẽ điều thú vị nhất là phía sau các phán xét đều có một cái gương. Việc phán xét người khác luôn bao gồm hành động đánh giá bản thân, vì chúng ta phán xét người khác dựa theo những tiêu chuẩn đánh giá, giá trị cốt lõi, niềm tin của bản thân mình. Ngược lại, chúng ta cũng tin rằng người khác sẽ đánh giá về mình theo các tiêu chí đó. Nếu bạn cho rằng những chi tiết sau đây là quan trọng: số tiền ghi “có” trong tài khoản lương hàng tháng, nhãn hiệu quần áo, hiệu xe ô tô hiệu, bằng MBA hay tiến sĩ, … bạn cũng sẽ đánh giá người khác theo các tiêu chí tương tự… Vậy là sao ta ? Là khi phán xét ai đó, như nhìn vào gương, chúng ta cũng vô tình hé lộ triết lý sống và hệ giá trị của mình, bạn đã lộ diện danh sách những điều quan trọng nhất với bạn trong cuộc đời này, cái gương đó giúp người khác biết cách mà bản thân bạn muốn hay không muốn người khác phán xét về mình.
Dù gì đi nữa, ai cũng nên kềm chế cảm xúc “ham muốn phán xét” người khác, một cách đơn giản là có thể làm theo lời khuyên của Abraham Lincoln “Hãy chắc chắn là bạn có lòng yêu thương thực sự trước khi mở lời phán xét ai đó ”. Những người mà chúng ta gọi là bạn tốt, đồng nghiệp chân thành, là cô hay thầy tận tâm, ai cũng được miễn là có kỹ thuật coaching đều có thể giúp chúng ta kềm chế ham muốn này rất hiệu quả.
Bài chia sẻ từ Trainer Nguyễn Tấn Đức